Kinh nghiệm nuôi lươn không bùn

An Hòa (Tây Ninh)
Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Chánh Thành, Chủ tịch Hội nông dân xã An Hòa (Trảng Bàng - Tây Ninh) thu hoạch đợt lươn.
Ông Thành kiểm tra chất lượng lươn nuôi.
Sau một thời gian tìm hiểu nghề nuôi lươn, năm 2009, ông Thành quyết định cải tạo chuồng nuôi heo thành các hồ nuôi lươn. Năm đầu tiên ông làm thí điểm 3 hồ nuôi lươn, với kích cỡ mỗi hồ là 6m2 (2m x3m). Sau đó ông xuống chợ đầu mối Bình Điền (thành phố Hồ Chí Minh) mua 800kg lươn giống với giá 50.000 đồng/kg về thả nuôi. Bước đầu, do chưa có kinh nghiệm nên lươn bị hao hụt nhiều, nhưng những con còn lại cũng phát triển tốt. Sau 8 tháng thả nuôi, ông Thành thu hoạch lươn. Từ đó, sang năm 2010, ông Thành mua vật tư về cải tạo toàn bộ chuồng nuôi heo thành 10 hồ nuôi lươn và thả nuôi 1.800kg lươn giống. Lươn giống ông cũng mua loại lươn xô từ chợ Bình Điền. Theo ông Thành, mua lươn giống loại này rẻ, tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao. Bình quân mỗi đợt nuôi lươn (từ 8- 9 tháng), gia đình ông Thành thu lãi được khoảng 80 triệu đồng.
Ông Thành cho biết thêm, việc nuôi lươn không bùn trong hồ nước sạch cũng khá dễ dàng. Sau khi xây hồ xong, cần vệ sinh hồ cho sạch. Sau đó thả 3 vĩ làm bằng cây le (giống như đóng vạt giường) chồng lên nhau vào hồ để làm chỗ cho lươn nằm và thả mồi cho lươn ăn. Thức ăn cho lươn là cá biển xay. Mỗi ngày cho lươn ăn một lần, vào một giờ nhất định. Và mỗi ngày phải thay nước hồ nuôi một lần, sau khi cho lươn ăn khoảng 5 giờ. Nước xả ra từ các hồ nuôi lươn được cho xuống một cái hồ ngầm. Dưới hồ này thả nuôi cá trê lai. Cá trê lai là loại chịu ăn tạp, nó sẽ ăn hết thức ăn thừa của lươn được xả ra. Từ đó người nuôi không cần phải cho cá trê lai ăn mà vẫn có thêm nguồn thu nhập.
D.H (Báo Tây Ninh, 10/06/2013)

Nông dân sáng kiến: Nuôi lươn không cần bùn
Anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) là một điển hình “Nông dân SXKD giỏi” cấp thành phố. Anh cũng là người đầu tiên ở Củ Chi nghĩ ra cách nuôi lươn mới, không cần bùn đem lại hiệu quả cao. Sáng kiến của anh đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp người chăn nuôi lươn rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn.
Anh lặn lội xuống tận An Giang để học hỏi và mua giống về nuôi thử. Lúc đầu anh cũng nuôi theo cách truyền thống, cho bùn vào bể, bơm nước và cho lươn giống vào. Sau 12 tháng vừa nuôi vừa nghiên cứu, lứa lươn đầu tiên cũng tới ngày thu hoạch.
Nhờ nuôi lươn không bùn, mỗi năm anh Hoàng "hốt bạc" 1 tỷ đồng
Nhưng lươn nuôi trong bùn bị chết gần hết mà anh không biết, vừa bước vào nghề đã bị thất bại.
"Năm 2008 một lần nữa tôi lại khăn gói đi một số tỉnh ở miền Tây, tham quan một số cơ sở nuôi lươn và tiếp tục mua giống về nuôi. Rút kinh nghiệm từ bài học thất bại đầu tiên, lần này tôi làm bài bản hơn; đặc biệt không sử dụng một tí bùn nào. Tận dụng 2 chuồng nuôi heo, sửa chữa lại và ốp gạch men, vừa chống thấm nước vừa không cho lươn bò ra ngoài. Ở dưới đáy bể có để ống thoát nước, ở trên có gắn đường nước vào.
Trước khi thả lươn giống, bơm nước vô ngâm bể 1 tuần rồi rửa sạch, xả hết nước và bơm nước mới vào. Trong bể có đóng 3 cái giàn làm bằng tre để cho lươn trú ẩn, sau đó tiến hành thả lươn giống. Khi thả lươn vào bể 2 - 3 ngày đầu không cho lươn ăn, để lươn tự thích nghi với môi trường. Thời gian đầu cho lươn giống ăn trùn quế, sau 1 tháng cho ăn cá biển xay nhỏ, cứ thế cho ăn, tháo xả nước thường xuyên và chờ tới lúc thu hoạch, anh Hoàng chia sẻ.
Qua quá trình nuôi lươn không bùn, anh Hoàng nhận thấy lươn không bị bệnh, mau lớn, suốt thời gian nuôi không phải tốn một đồng thuốc thú y nào, giảm được rất nhiều công lao động như công lấy bùn, cho ăn, thu hoạch. Đặc biệt rút ngắn thời gian nuôi từ 3 - 4 tháng. Nếu so sánh giữa nuôi truyền thống và nuôi không bùn thì nuôi không bùn nhàn hơn.
Nuôi lươn theo cách truyền thống từ khi thả con giống đến khi thu hoạch là 12 tháng. Nuôi không bùn thì chỉ mất 6 - 8 tháng là xuất bán, giúp người nuôi tiết kiệm tiền chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp cho nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần.
Anh Hoàng kể, từ thành công ban đầu, tôi mạnh dạn mở rộng thêm diện tích nuôi, tính đến nay đã có 3 cơ sở nuôi lươn với tổng diện tích khoảng 1.200 m2. Trong đó có 700 m2 làm khu ương giống, còn lại 500 m2 nuôi thương phẩm.
Năng suất đạt được 400 kg lươn/1 chuồng rộng 6 m2.
HIẾU CẦU (Nông Nghiệp VN, 13/06/2013)

Kinh nghiệm nuôi lươn trong bồn nylon
Ông Nguyễn Văn So, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) là một trong những người mạnh dạn nuôi lươn trên cạn ở ĐBSCL. Năm 2001, ông So thử dùng bạt nylon loại dày không thoát nước để lót nuôi trên cạn, thay thế cho hồ xây bằng gạch, xi măng (chỉ dùng cây cắm xung quanh để giữ bồn nuôi không bị nghiêng chảy nước ra ngoài). Thấy có hiệu quả, ông đã nhân lên 4 bồn, diện tích 150 m2, thả nuôi 250 kg lươn giống (loại 35 con/kg), chỉ sau 6 tháng nuôi, ông So bắt đầu thu hoạch lời 14 triệu đồng. Không dừng lại đó, ông So đã tăng lên hai vụ trong năm, cho đến nay ông có 9 bồn nuôi lươn trước nhà. Thu nhập từ con lươn đạt từ 76 - 80 triệu đồng/năm.
Kỹ thuật làm bồn nuôi lươn:
Nên chọn nơi khu vực đất cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió bão, nguồn nước phong phú, chất lượng nước tốt. Diện tích xây bồn từ 10 - 30 m2 là thích hợp nhất, chỉ cần mua bạt nylon không thấm nước là có thể xây dựng thành bồn nuôi. Chiều cao mỗi bồn từ 1 - 1,3 m, bỏ đất ruộng (đang canh tác) vào trong hồ lươn khoảng 1/2 - 2/3 diện tích để cho lươn chui vào đó cư trú. Nên độn thêm rơm, cây chuối mục để tạo môi trường tốt hoặc cho lục bình hay trồng rau mác, rau dừa vào trong hồ để tạo bóng râm trong bồn. Mực nước trong bồn nuôi từ 20 - 30 cm, mực nước sâu quá, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn. Lươn là loài không ưa ánh sáng nên trước khi bố trí bồn nuôi, phải có mái che hoặc làm giàn trồng cây leo tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột.
Chọn con giống:
Nguồn lươn ngoài tự nhiên càng lúc càng cạn kiệt, việc sinh sản nhân tạo của lươn hiện nay còn rất hạn chế, đa phần người nuôi phải mua của người dân xúc ủ, đặt trúm, đánh bắt bằng xung điện...
Lươn có 3 loại (theo màu sắc). Loại I: lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Loại II: màu vàng xanh, phát triển bình thường. Loại III: màu xám tro, chậm lớn. Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất 40 - 60 con/kg. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị sây sát, khỏe mạnh. Mật độ thả nuôi tốt nhất từ 60 - 80 con/m2.
Cách cho ăn:
Lươn nuôi cần phải trải qua quá trình thuần hóa để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 - 10 ngày đầu cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh, có thể cho ăn hai lần/ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá biển mua về xay ra cho ăn. Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, cần phải nắm vững nguyên tắc “4 định”: (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1 - 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước. Khi lươn trưởng thành, trung bình mỗi ngày cho lươn ăn một lần.
Lươn mới thả vào 7 ngày cho thay nước một lần, khoảng trên 2 tháng, 4 ngày thay nước, hàm lượng oxy trên 2 mg/lít. Lươn kỵ nước bẩn.