Tỷ phú cá lồng trên sông Kinh Thầy

Sự táo bạo đó của một số hộ dân ở xã Nam Tân (Nam Sách) trong việc nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy đã mở ra hướng đi mới trong phát triển thủy sản ở tỉnh ta.


ca1
Anh Trần Văn Tín là một trong những người đầu tiên đưa cá lồng về nuôi trên sông Kinh Thầy

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, trong khi trước đó tỉnh ta chưa có mô hình nuôi cá lồng nào thành công là điều không phải ai cũng dám làm. Sự táo bạo đó của một số hộ dân ở xã Nam Tân (Nam Sách) đã mở ra hướng đi mới trong phát triển thủy sản ở tỉnh ta.

Anh Trần Văn Thiện và Trần Văn Tín ở thôn Trung Hà là những người đầu tiên nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy. Đi nhiều nơi, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ nghề nuôi cá, trong đó có mô hình nuôi cá lồng ở đồng bằng sông Cửu Long, năm 2009, anh Thiện đã nuôi thử nghiệm 1 lồng cá trên sông Kinh Thầy (đoạn gần cầu Bình). Mẻ cá đầu tiên anh thu lãi 80 triệu đồng. Tiếp đà thành công, vụ cá năm 2010, với 10 lồng cá, anh Thiện thu lãi 800 triệu đồng. Anh Thiện cho biết: "Hiện tại, tôi đang đầu tư khoảng 50 lồng cá, đến tháng 7 tới có thể cho thu hoạch. Với giá bán hiện nay, tiền lãi ước tính từ 2 đến 3 tỷ đồng".

Cùng chung ước vọng làm giàu, anh Tín cho biết: "Ưu điểm nổi bật của nuôi cá lồng là tiết kiệm triệt để diện tích mặt nước. Ngoài ra, do lưu lượng nước thay đổi liên tục nên môi trường nuôi cá trên sông sạch hơn, vì thế cá ít nhiễm bệnh hơn. Hiện tại, tôi đang đầu tư gần 100 lồng cá, số tiền lãi ước tính vài tỷ đồng/năm".

Cùng tham gia nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, ông Nguyễn Trung Tựu, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: "Nuôi cá lồng khó nhất vẫn là nguồn vốn vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Với 15 lồng cá của gia đình, riêng chi phí làm lồng đã lên tới 1 tỷ đồng (1 chiếc lồng làm khung bằng kẽm, inox, giá từ 70 đến 85 triệu đồng), tiền thức ăn và cá giống cho 1 vụ cũng lên tới vài tỷ đồng. Ngoài ra, việc bảo đảm thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng là một khó khăn lớn".

Hiện tại, cá lồng ở Nam Tân có đầu ra ổn định do được cung cấp cho hệ thống nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng... Cá nuôi ở đây chủ yếu là cá đặc sản như điêu hồng (giá bán từ 50-60 nghìn đồng/kg), cá trắm giòn (trên 100 nghìn/kg). Ngoài ra, trên sông Kinh Thầy còn có thể nuôi cá lăng chấm (giá khoảng 300 nghìn/kg). Để hướng tới chuyên nghiệp, những người nuôi cá lồng ở đây đang dự định thành lập HTX nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy để sản phẩm không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

ca2
Tìm được địa điểm đặt lồng thích hợp là vấn đề quan trọng
Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy, ông Nguyễn Quang Liêm, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Nam Sách cho biết: "Nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy là mô hình bước đầu thu hiệu quả kinh tế cao. Đây là một mô hình mới, do một số người dân tự học hỏi đưa về làm. Đợt rét năm vừa qua, cả huyện Nam Sách có tới 14 tấn cá bị chết. Tuy nhiên, không có hiện tượng cá lồng nuôi trên sông Kinh Thầy bị chết. Hiện tại, ở Nam Sách, ngoài một số hộ nuôi cá ở xã Nam Tân, một số hộ khác ở các xã Thanh Quang và Hiệp Cát cũng đang tham gia mô hình nuôi cá này.

Ông Hà Bạch Đằng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: Mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy của 2 anh em Trần Văn Thiện và Trần Văn Tín ở xã Nam Tân là mô hình nuôi cá lồng đầu tiên ở tỉnh ta. Đây là mô hình tận dụng tối đa diện tích mặt nước. Một lồng cá có thể thu tới hơn 6 tấn cá, tương đương với 1 ha diện tích nuôi thả trong ao. Hiện tại, sở đang có kế hoạch phối hợp với một số hộ gia đình nuôi cá lồng ở đây đưa vào nuôi thử nghiệm giống cá lăng chấm.

Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT: "Mô hình nuôi cá trên sông của một số hộ dân ở Nam Tân là một mô hình mới nên sở chưa có số liệu thống kê cụ thể và chưa thể đưa ra kết quả đánh giá toàn diện. Hiện tại, sở đang lập kế hoạch khảo sát mô hình nuôi cá lồng này. Tuy nhiên, để bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước và tránh việc phát triển ồ ạt, sau khi khảo sát sở sẽ đưa ra những định hướng phát triển nuôi cá lồng với quy mô phù hợp.

Sự táo bạo trong nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy của một số hộ dân ở Nam Tân là những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần hơn nữa sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và những người chăn nuôi.

THEO: THÚY HÀ_BHD