Phát triển cá đối mục, giải pháp tốt cho vùng nuôi tôm bị bỏ hoang

Để góp phần sử dụng có hiệu quả vùng đất nuôi tôm bị bỏ hoang, trong năm 2012 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một số mô hình phát triển nuôi cá vược, cá đối mục và cá hồng mỹ trong ao. Đến nay các mô hình đã đem lại kết quả và hiệu quả kinh tế cao. Một trong những điển hình là mô hình nuôi cá đối mục trong ao tại các vùng đất bỏ hoang tại Thừa Thiên Huế.
Vùng ven biển huyện Phú Vang đã được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển vùng nuôi tôm tập trung, tuy nhiên từ năm 2004 - 2008 tình hình nuôi tôm sú trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nuôi thua lỗ nặng do môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, giá tôm thương phẩm không ổn định, môi trường các vùng nuôi không phù hợp với tôm sú… chi phí sản xuất tăng cao nên diện tích ao nuôi tôm bỏ hoang ngày càng nhiều.

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông lâm ngư Thừa Thiên Huế triển khai mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao ở những vùng nuôi tôm bị bỏ hoang” tại thị trấn Thuận An và xã Phú Diên, huyện Phú Vang, quy mô hình 5.000m2/hộ, mật độ thả 1,5 con/m2, cỡ giống thả 5-6 cm.
Sau gần 5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình 0,45 kg/con, tỷ lệ sống đạt 80%, ước sản lượng đến khi thu đạt 3.000kg, năng suất trên 6 tấn/ha, lợi nhuận ước đạt khoảng 120 triệu đồng/hộ. Mô hình đã đón tiếp các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo các xã lân cận và hơn 150 hộ đến tham quan học tập chia sẻ kinh nghiệm. 
Mô hình thành công đã góp phần giúp người dân ở những vùng nuôi tôm bị bỏ hoang phát triển đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao và chủ động về nguồn giống để đầu tư phát triển sản xuất.
Theo đánh giá của các cơ quan chính quyền và chuyên môn tại địa phương, đây được xem là một mô hình điển hình mở ra hướng sản xuất mới, sử dụng có hiệu quả vùng đất bỏ hoang do nuôi tôm kém hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng, trong khi đang có chủ trương đầu tư cải tạo để trở lại sản xuất nông nghiệp.
Theo định hướng phát triển kinh tế của địa phương, mô hình sẽ được áp dụng rộng rãi nhằm góp phần giúp bà con ngư dân có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ gia đình và xã hội, tạo việc làm mới cho các lao động ở nông thôn.
Cá đối mục là đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, chủ động được nguồn giống, thích nghi tốt với các sự biến động của môi trường, đồng thời có khả năng làm sạch môi trường… đã góp phần giải quyết tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn, đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định và bền vững cho nghề nuôi trổng thuỷ sản.
Trong khi các đối tượng nuôi khác như cá dìa, cá kình… chưa chủ động được nguồn giống, tốc độ sinh trưởng chậm, năng suất không cao, chỉ phù hợp với hình thức nuôi xen ghép ở vùng hạ triều nên nhiều ao nuôi ở vùng cao triều chưa chuyển đổi được hình thức nuôi. 
Theo kinh nghiệm của các chủ hộ thực hiện mô hình cho thấy kỹ thuật và chi phí đầu tư nuôi đối tượng này gần giống kỹ thuật nuôi cá rô phi. Cá đối mục có thể nuôi quanh năm vì có khả năng thích nghi tốt với sự biến động của nồng độ muối từ 0 - 42‰, khả năng chịu rét tốt nên rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở khu vực miền Trung và miền Bắc. Mô hình được xem là bước đột phá mới trong nuôi trồng thủy sản ở các vùng qui hoạch nuôi tôm bị bỏ hoang.
Theo Khuyến nông VN