NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRONG XÉT NGHIỆM VÀ CHẨN ĐOÁN BỆNH ĐẦU VÀNG Ở TÔM ThS. Trần Thị Mỹ Duyên, PGS. TS. Đặng Thị Hoàng Oanh




Bệnh đầu vàng (Yellow Head Disease – YHD) là một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp trên tôm nuôi. Hiện nay chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả nên việc phòng bệnh và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh bằng cách xét nghiệm bệnh trên tôm giống trước khi thả nuôi và trong quá trình nuôi là một trong những biện pháp thiết thực.
Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật dùng để xét nghiệm bệnh đầu vàng ở tôm như kỹ thuật mô bệnh học, kỹ thuật PCR phiên mã ngược, kỹ thuật miễn dịch phát hiện kháng nguyên dựa trên kháng thể đặc hiệu hay kỹ thuật lai in situ. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng. Việc xét nghiệm bệnh đầu vàng dễ bị nhầm lẫn do những đặc điểm phức hợp của tác nhân gây bệnh và đặc điểm bệnh lý ở mức tổ chức học.
Bệnh đầu vàng do phức hợp vi rút gây nên, còn gọi là phức hợp vi rút gây bệnh đầu vàng (Yellow Head Complex Virus – YHCV). Phức hợp này bao gồm vi rút gây bệnh đầu vàng (Yellow Head Virus – YHV) và vi rút gây hội chứng liên quan đến mang (Gill Associated Virus – GAV) (Hình 1). Cho đến nay, YHCV được ghi nhận có 6 kiểu gen khác nhau (Wijegoonawardane et al., 2008) và mỗi kiểu gen có độc lực riêng nên mức độ gây chết cho tôm cũng khác nhau (Hình 2).
YHV được xem là kiểu gen thứ nhất trong YHCV, kiểu gen này có độc lực cao, khả năng gây chết tôm hoàn toàn trong vòng vài ngày xuất hiện bệnh. Vật chất di truyền của YHV là ARN sợi đơn, hình que và có màng bao. Kích thước hệ gen của YHV là 26.662 bp bao gồm 4 đoạn gen mã hóa (ORF - open reading frames) là ORF1a, ORF1b, ORF2, ORF3. Mỗi đoạn gen mã hóa cho những protein có chức năng riêng. Kiểu gen thứ 2 trong YHCV là GAV. Tương tự YHV, vật chất di truyền của GAV là ARN sợi đơn, hình que có vỏ bao với kích thước hệ gen là 26.235 bp. Đây là kiểu gen có liên hệ mật thiết với YHV với trình tự gen đồng nhất lên đến 79% (Cowley và Walker, 2002; Sittidilokratna et al., 2008). Trình tự của các đoạn gen mã hóa cho các protein chức năng đều tương tự YHV, nhưng GAV còn chứa thêm đoạn gen mã hóa ORF4 ở đầu 3’  mà có thể do sự khác biệt này làm kiểu gen GAV có độc lực thấp, không gây dấu hiệu bệnh lý đầu vàng cũng như gây chết tôm mà chỉ làm tổn thương mang. GAV thường hiện diện mãn tính trên tôm khỏe (Cowley et al., 2000; Cowley et al., 2004; Cowley và Walker, 2008).
Hình 1: Hệ gen của Yellow Head Virus (YHV) và Gill Associated Virus (GAV) (Walker, 2007)
YHV được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1991 tại Thái Lan và nhanh chóng lây lan sang các nước Châu Á khác như Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, … Năm 1996, GAV được ghi nhận lần đầu tại Úc (Spann et al., 1997) và vi rút này cũng thường hiện diện trên tôm khỏe ở Việt Nam và Thái Lan (Wijegoonawardane et al., 2008). Bốn kiểu gen còn lại thường xuất hiện trên tôm khỏe và phân bố khắp Đông Nam Á, Đông Á và Nam Á …. Kết quả so sánh trình tự các kiểu gen cho thấy 4 kiểu gen này có trình tự giống với GAV nhiều hơn YHV. Tuy nhiên, chưa có kiểu gen nào trong 4 kiểu được ghi nhận gây chết trên tôm. (Wijegoonawardane et al., 2008). Hiện nay, kiểu gen 2 (GAV) và kiểu gen 3 trong YHCV được ghi nhận hiện diện trên tôm nuôi ở Việt Nam. Các kiểu gen khác chưa được ghi nhận.
Hình 2: Các kiểu gen của YHCV được phát hiện bằng kỹ thuật PCR phiên mã ngược
Ngoài việc lưu ý về kiểu gen khi xét nghiệm bệnh đầu vàng ở tôm, cũng cần lưu ý khi chẩn đoán bệnh đầu vàng bằng phương pháp mô học. Pantoja và Lighner (2003) đã chứng minh sự giống nhau của những dấu hiệu tổn thương trên mô do vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) và vi rút gây bệnh đầu vàng (YHV), đặc biệt là dấu hiệu hoại tử trên cơ quan lympho và mô liên kết (Hình 3). Điều này dẫn đến khả năng chẩn đoán nhầm giữa bệnh đầu vàng và bệnh đốm trắng bằng kỹ thuật mô học truyền thống. Kết quả phân tích mô học trên những mẫu tôm cảm nhiễm với WSSV cho thấy dấu hiệu hoại tử trên cơ quan lympho và mô liên kết rất giống với dấu hiệu do bệnh đầu vàng gây ra. Tuy nhiên, khi chẩn đoán các mẫu này bằng  kỹ thuật lai in situ với đoạn dò đặc hiệu nhận diện từng loại vi rút thì kết quả âm tính với YHV nhưng dương tính đối WSSV (Hình 4). Do đó, chẩn đoán bệnh đầu vàng không nên chỉ dựa vào dấu hiệu hoại tử trên cơ quan lympho và mô liên kết. Nếu nghi ngờ tôm nhiễm YHV nên cần chẩn đoán bổ sung bằng các phương pháp khác như lai in situ với đoạn dò đặc hiệu cho YHV hoặc phương pháp PCR phiên mã ngược.
Bài viết đã được UV-Việt Nam mua tác quyền từ tác giả.

Bất cứ hình thức sao chép nào đều phải có trích dẫn nguồn từ UV-Việt Nam.