Quy hoạch nuôi tôm siêu thâm canh tập trung

Sau hơn 2 năm phát triển mạnh, đến thời điểm này, có thể khẳng định, nuôi tôm siêu thâm canh chính là yếu tố tạo đột phá để tỉnh thực hiện thành công kỳ vọng trở thành trung tâm lớn nhất vùng ĐBSCL và cả nước về ngành tôm. Tuy nhiên, để đạt và duy trì mục tiêu này một cách bền vững, lâu dài đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc quy hoạch các vùng nuôi tập trung là xu hướng tất yếu.

Thu hoạch tôm siêu thâm canh ở xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi.
Thu hoạch tôm siêu thâm canh ở xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi. 
Trong 2 tháng đầu năm 2018, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh ước đạt 26.800 tấn, tăng 9,39% so cùng kỳ. Tín hiệu khả quan này có sự đóng góp to lớn của 1.165 ha nông dân và doanh nghiệp đang triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Tuy nhiên, theo nhận định của Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng: “Nuôi tôm siêu thâm canh sau hơn 2 năm phát triển mạnh đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức”.
Phân tán, nhỏ lẻ
Tuy mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế khá cao, song cũng như loại hình nuôi thâm canh trước kia, con tôm siêu thâm canh hiện nay chỉ được phát triển phân tán, nhỏ lẻ ở nhiều nơi trong tỉnh.
“Xu hướng phát triển thời gian qua đã để lại những khó khăn thách thức như vấn đề xử lý môi trường, thiếu vốn đầu tư, trình độ tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong dân còn thấp, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt nhất là điện phục vụ sản xuất của người dân”, ông Bằng cho biết thêm.
Điện là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định thành công của vụ nuôi. Tuy nhiên, hiện nay yếu tố này đang gặp khó khăn. Đầm Dơi là huyện có diện tích tôm siêu thâm canh lớn nhất tỉnh với trên 545 ha. Trước nhu cầu rất lớn của người dân về điện, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Thuần kiến nghị ngành điện xem xét đầu tư thêm bình điện cho các hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trên địa bàn hoặc có chính sách cho người dân trả dần khi tự hạ bình.
Về nhu cầu đầu tư điện trên địa bàn tỉnh, qua rà soát của Công ty Điện lực, tổng nguồn vốn cần khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp hiện nay, toàn tỉnh có 3.757 hộ, trong đó chỉ có 263 hộ tự đầu tư được bình hạ thế. Như vậy, còn lại 3.494 hộ đang sử dụng chung với bình điện sinh hoạt và đang có nhu cầu đầu tư bình hạ thế.
“Nếu tính bình quân mỗi bình loại 25 kVA mức đầu tư khoảng 100 triệu đồng thì cũng cần trên 349 tỷ đồng để đầu tư. Đây là vấn đề vô cùng khó, ngành điện chỉ có thể cố gắng kéo điện tới người dân, còn trạm hạ thế thì bà con chia sẻ với ngành”, Phó giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Cà Mau Thiều Văn Minh cho biết.
Không riêng về điện mà sự phát triển phân tán nhỏ lẻ như hiện nay dẫn đến ngân sách không thể đầu tư cùng lúc hạ tầng từ đường bộ cho đến thuỷ lợi. Điều này cho thấy, để nghề nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh mang lại hiệu quả và phát triển bền vững, cần phải quy hoạch khu vực tập trung với điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ để sản xuất khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao.
Dồn điền đổi thửa 
Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2020 là kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,7 tỷ USD; năm 2025 là 2,8 tỷ USD và 4 tỷ USD vào năm 2030. Theo đó, tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích tôm siêu thâm canh tập trung đạt 1.500 ha, năng suất bình quân 22 tấn/ha/năm và đến năm 2030 đạt 2.000 ha, năng suất bình quân 23 tấn/ha/năm.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám bàn giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm Cà Mau ngày 2/3 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định: “Đã đến lúc phải khép lại việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phân tán mà phải theo hướng tập trung. Do đó, các huyện nhanh chóng quy hoạch khu vực nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung và có lộ trình thực hiện quy hoạch ấy. Chỉ có phát triển theo hướng tập trung mới đủ nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất cho người dân”.
Theo đó, phương pháp "dồn điền đổi thửa" là hướng đi mà tỉnh đang lựa chọn cho việc hình thành những vùng nuôi tập trung quy mô lớn.
Theo Đề án “Nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 5 vùng nuôi tập trung thực hiện theo hình thức dồn điền đổi thửa và đến năm 2025 về cơ bản nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của tỉnh đều thực hiện theo hình thức tập trung, không còn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Liên quan đến mục tiêu này, năm 2011 tỉnh cũng đã phê duyệt 3 dự án nuôi tôm thâm canh tập trung với tổng diện tích khoảng hơn 2.000 ha trên địa bàn TP Cà Mau và huyện Đầm Dơi. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án này gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn vốn đầu tư hạ tầng, tập quán sản xuất, sinh sống của người dân, không thống nhất được hình thức hợp tác giữa người dân với các doanh nghiệp… đã khiến các dự án phải tạm dừng.
Đó là bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất thời gian tới.
Để không vướng phải khó khăn như trước, ông Bằng cho biết, ngành sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý, các giải pháp phù hợp nhất nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai cũng như thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm. Đồng thời, sẽ triển khai thực hiện thí điểm công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn ở một số vùng, khi đạt kết quả mới tiến hành nhân rộng. Ngoài ra, sẽ rà soát lại các loại quỹ đất được quy hoạch phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, tạo cơ sở pháp lý trong việc cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm và mở rộng sản xuất với quy mô lớn theo hướng thành lập các doanh nghiệp xã hội, phát triển hợp tác xã kiểu mới. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ điều kiện nuôi để bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y và an toàn sinh học… Đó cũng là những giải pháp mà ngành sẽ thực hiện quyết liệt trong thời gian tới để nâng cao chuỗi giá trị ngành tôm tỉnh nhà, đảm bảo hài hoà cả 3 mặt: kinh tế - xã hội - môi trường.
Nguyễn Phú 
Theo Báo Cà Mau