Mô
hình được Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM)
thuộc Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế phối hợp triển khai thực hiện tại
thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng trọng lượng
trung bình của các đối tượng nuôi vào lúc thu hoạch đạt 95% so với yêu
cầu đặt ra. Cụ thể tôm sú đạt 38 con/kg, cua 0,28 kg/con và cá đối 0,25
kg/con, cá đối mục đạt 0,2 kg/con. Nhờ tham gia mô hình mà hộ ông Nguyễn
Lương thu được lãi ròng gần 30 triệu đồng chỉ với 6.000 m2 diện tích ao nuôi, ông Bùi Phước Chương, Phó giám đốc CORENARM cho biết.
Cũng theo ông Chương, dự án có
quy mô 2 ha với 4 hộ tham gia. Các gia đình tham gia dự án chỉ được hỗ
trợ chi phí giống tôm: 40 %, giống cua và giống cá: 30%, kinh phí mua
thức ăn cho tôm: 30 % và cua: 20 %. Phần còn lại các hộ tham gia mô hình
đóng góp. Các hộ tham gia mô hình còn đóng góp 100 % chi phí cải tạo
ao, vôi làm sạch môi trường, dầu chạy máy quạt nước, công chăm sóc và
theo dõi sinh trưởng. Điều này đã giúp cho các hộ tham gia mô hình có
trách nhiệm hơn.
Điều đáng chú ý là, trong lúc mô hình do CORENARM
triển khai thực hiện đạt kết quả khả quan, tỉ lệ tôm chết rất thấp, dưới
5% và tôm không bị bệnh thì các hộ nuôi tôm khác ở gần đó tôm nuôi bị
chết hàng loạt với tỷ lệ từ 50 - 80%. Điều này được các chuyên gia thủy
sản giải thích là do số lượng tôm nuôi của mô hình ở mật độ thấp, ở tầng
đáy đã có cá đối và cua ăn hết phần thức ăn thừa, tôm chết và phân của
tôm nên giảm nguy cơ gây ô nhiễm và nguồn bệnh. Ngoài ra, sự hoạt động
của loài cá đối mục cũng giúp thay đổi sự lưu chuyển nước ở tầng đáy và
lượng rong câu được nuôi để làm thức ăn cho cá đã giúp tăng lượng o xy
trong hồ.
Từ kết quả mô hình cho thấy, khả năng thích nghi với
môi trường cao đối với cá đối mục. Cá đối mục là loại nuôi phù hợp với
điều kiện khí hậu thời tiết, ao hồ địa phương và nuôi xen ghép với tôm
sú và cua. Việc nuôi xen ghép đã giảm rủi ro cho các hộ nông dân nuôi
tôm và tạo thêm thu nhập ổn định. Nhờ đó, năm 2011, số hộ tham gia mô
hình được tăng lên, từ 4 hộ tham gia mô hình năm 2010 đã có thêm 5 hộ
khác chuyển từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi xen ghép.
Năm 2011, dự án tiếp tục thử nghiệm cách nuôi tương tự và mở rộng thêm đối tượng nuôi xen ghép khác như cá dìa với quy mô 4 ha.
Các kết quả thành công bước đầu của mô hình nuôi xen
ghép là cơ sở để Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương
Trà quảng bá và nhân rộng trong và ngoài địa bàn xã Hương Phong trong
điều kiện biến bối khí hậu.
Được biết, mô hình nằm trong khuôn khổ dự án Xây dựng
mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn,
khai thác và sử dụng bền vững, tổng
hợp tài nguyên thiên nhiên xã Hương Phong do Chương trình tài trợ nhỏ
(SGP) - Quỹ môi toàn cầu (GEF) tài trợ, thời gian thực hiện từ tháng
4/2010 đến tháng 4/2012.