ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm chiếm hơn 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của cả nước và có quan hệ thương mại thị phần lớn với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên mậu gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro; cùng đó nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khi làm ăn với thị trường này. Tìm giải pháp thúc đẩy nhằm hướng tới quan hệ giao thương giữa hai bên an toàn và bền vững, đó là nội dung tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức mới đây…
Cơ hội và thách thức
Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2016 đạt gần 72 tỉ USD. Việt Nam còn được xem là cửa ngõ và cũng là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc tại ASEAN. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng, theo dõi 2 năm nay, nhất là những tháng đầu năm 2017, có thể nhận thấy sự tăng trưởng mạnh trong các nhóm hàng nông sản của ĐBSCL như trái cây, lúa gạo, tôm và cá tra vào thị trường Trung Quốc. Với sản phẩm cá tra, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Dũng, mặc dù đang chịu tác động lớn của nhà nhập khẩu Trung Quốc nhưng doanh nghiệp Việt lại không hiểu nhiều về tập quán thị trường, hành vi của đối tác nên vẫn còn tâm lý e ngại, thậm chí có doanh nghiệp không có định hướng phát triển thị phần ở thị trường này. Điều này dẫn đến sự lãng phí mất thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi khách hàng Trung Quốc không chỉ đông về số lượng người tiêu dùng mà khá dễ tính.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam.
Thực tế không ít doanh nghiệp tại ĐBSCL khi làm ăn với các thương nhân Trung Quốc đã gặp rủi ro. Nhưng, cũng có không ít doanh nghiệp đang có mối quan hệ làm ăn tốt với Trung Quốc cho rằng, việc hợp tác không thuận lợi là do phía doanh nghiệp Việt Nam ít nghiên cứu kỹ đối tác, Luật Kinh doanh, chưa ý thức đúng về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Nêu một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt từng vướng khi làm ăn với thương nhân Trung Quốc, đại diện Sở Công thương tỉnh Long An, chia sẻ, thương nhân Trung Quốc đến địa phương mua gạo với doanh nghiệp, khi đàm phán họ trả giá cao. Nhưng, khi doanh nghiệp vận chuyển gạo ra đến biên giới, họ đưa ra nhiều lý do như giá gạo trong nước đang giảm, khó bán… để ép doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá bán, nếu không sẽ hủy đơn hàng… Gạo đã vận chuyển ra đến biên giới tốn kém rất nhiều chi phí, việc mang về là không thể, hầu hết các doanh nghiệp đành phải "bấm bụng" giảm giá để bán được hàng.
Các doanh nghiệp hiện đang có mối quan hệ làm ăn tốt với Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do phía doanh nghiệp Việt Nam không có sự điều nghiên kỹ lưỡng về Luật Kinh doanh, về đối tác, cũng như chưa ý thức đúng về tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Theo ông Lại Khắc Chiến, Giám đốc Chi nhánh Chế biến và Xuất khẩu lương thực Đồng Tháp, thì doanh nhân Trung Quốc cũng có nhiều dạng đối tượng nên không thể đánh đồng. Thực tế, công ty làm ăn với những người Trung Quốc thế hệ mới (trẻ tuổi) họ rất chuyên nghiệp trong thực hiện hợp đồng mua bán.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng cho rằng, thực trạng doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay là ít có doanh nghiệp lớn trực tiếp mua bán hàng hóa mà chủ yếu là những tay "chạy cò", điều này dẫn đến việc thường xuyên xảy ra tình trạng dồn hàng, rớt giá. Họ là các thương lái nhỏ lẻ Trung Quốc sang tìm hiểu thị trường Việt Nam, họ thấy có lời thì làm, kiếm tìm những hàng hóa với giá rẻ nhất mà không yêu cầu bất cứ kiểm định chất lượng nào. Việc thanh toán cũng chỉ thực hiện theo kiểu tượng trưng. Đến khi thu mua, nếu giá bán tại thị trường Trung Quốc cao thì họ thu mua mạnh, còn nếu rớt giá họ sẽ bỏ mặc nhà cung cấp Việt Nam "ôm" hàng. Đây chính là mặt trái của sự "dễ tính" từ thị trường Trung Quốc.
Giải pháp hợp tác hiệu quả
Tại buổi tọa đàm "Làm thế nào để kinh doanh hiệu quả với thị trường Trung Quốc", nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác với thị trường Trung Quốc an toàn, hiệu quả và bền vững.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng nhấn mạnh, Trung Quốc hiện được đánh giá là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2016, trong 10 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 12,4% (chỉ đứng sau Hoa Kỳ (21,8%)). Để làm ăn hiệu quả với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự tìm hiểu kỹ về đối tác trước khi đặt mối quan hệ làm ăn. Bỏ dần xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch, hướng đến xuất khẩu chính ngạch là giải pháp hữu hiệu, bền vững cho hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần liên kết tốt hơn với nhau và với Hiệp hội D oanh nghiệp để được cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường Trung Quốc, về danh sách đối tác tin cậy. Việc liên kết và hỗ trợ nhau trong xuất khẩu cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp mạnh, tránh bị ép giá. Ông Phan Hoài Phong, Cơ sở Hương miền Tây, nêu kinh nghiệm đó là luôn yêu cầu phía đối tác khi đặt hàng phải thanh toán trước từ 20 - 50% giá trị hợp đồng, hoặc chọn phương thức tín dụng chứng từ L/C (thư tín dụng). Cho phép bạn hàng cử người theo dõi, kiểm tra quy trình sản xuất và đặc biệt cơ sở luôn đảm bảo hàng xuất đi đạt đúng chất lượng công bố.
Trong buôn bán làm ăn với thương nhân Trung Quốc thì hai bên phải sòng phẳng để tránh tranh chấp về sau, đó là doanh nghiệp Việt cần cung cấp thông tin đầy đủ về hàng hóa cho đối tác. Chẳng hạn như lúa gạo, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chính xác về mùa vụ, chất lượng hàng hóa… Về phương thức thanh toán, người Trung Quốc thường thích thanh toán theo kiểu giao hàng, trả tiền. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải nắm lấy lợi thế, phải áp dụng phương thức thanh toán sao cho đảm bảo quyền lợi 2 bên, chắc chắn nhất là thanh toán L/C, còn nếu họ không chấp nhận phương thức đó thì doanh nghiệp nên thực hiện đặt cọc 20%, để ngừa trường hợp khi hàng sang họ không lấy thì số tiền cọc đủ chi phí để vận chuyển hàng về. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý, hàng hóa cần phải đúng tiêu chất lượng theo hợp đồng cam kết, ông Lại Khắc Chiến, Giám đốc Chi nhánh Chế biến và Xuất khẩu lương thực Đồng Tháp, nói.
Theo các chuyên gia, để làm ăn hiệu quả trong hội nhập nói chung, với thị trường Trung Quốc nói riêng, Việt Nam cần hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu thô với giá rẻ. Cùng với việc đảm bảo chất lượng như công bố, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải có chiến lược bài bản, căn cơ; mạnh dạn đầu tư công nghệ, cải tiến mẫu mã bao bì. Các hiệp hội ngành hàng phải xây dựng kế hoạch xúc tiến, tìm hiểu kỹ thị trường để có những sản phẩm phù hợp theo thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Đặc biệt nên hạn chế tối đa xuất khẩu biên mậu , vì chỉ khi đó giá trị hàng xuất khẩu mới có thể nâng cao, tránh được những trường hợp rủi ro thanh toán ở biên mậu như hiện nay.
Khánh Nam